Lễ ký kết Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp (GDNN) giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len

Ngày 05/4, tại trụ sở Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Việt Nam đã diễn ra “Lễ ký kết Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp (GDNN) giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len”.

Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung thay mặt Chính phủ Việt Nam và Đại sứ Vương quốc Anh và Bắc Ai-len tại Việt Nam Ga-rét Wat thay mặt Chính phủ Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len ký kết Bản ghi nhớ. Tham gia chứng kiến Lễ ký kết có ông Gra-ham Stu-át, Đặc phái viên Thương mại của Thủ tướng Anh đang trong chuyến công tác tại Việt Nam. 

Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len sẽ tạo khuôn khổ pháp lý cho sự hợp tác song phương giữa Việt Nam và Anh trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, góp phần thúc đẩy mục tiêu phát triển giáo dục nghề nghiệp tại Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung (bên phải) thay mặt Chính phủ Việt Nam và Đại sứ Vương quốc Anh và Bắc Ai-len tại Việt Nam Ga-rét Wat (bên trái) thay mặt Chính phủ Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len ký kết Bản ghi nhớ

Các nội dung của Bản ghi nhớ bao gồm:

  • Chia sẻ kiến thức chuyên môn về giáo dục nghề nghiệp;
  • Hỗ trợ xây dựng và thực hiện các chính sách giáo dục nghề nghiệp bền vững;
  • Chia sẻ kinh nghiệm về cải thiện chất lượng giáo dục nghề nghiệp, tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp nhằm đảm bảo cung-cầu của ngành;
  • Hợp tác cải thiện năng lực quản trị, lãnh đạo, giảng dạy và đánh giá năng lực tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp;
  • Thúc đẩy công nghệ kỹ thuật số trong đào tạo trực tuyến; cải thiện khung thể chế giáo dục nghề nghiệp;
  • Triển khai các chương trình ngôn ngữ phù hợp trong giáo dục nghề nghiệp;
  • Thúc đẩy quan hệ đối tác giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được hai bên công nhận;
  • Công nhận bằng cấp và các chương trình đào tạo trong khuôn khổ công nhận nghề nghiệp, các hoạt động đảm bảo chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp;
  • Phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu về giáo dục nghề nghệp.

Các nội dung hợp tác trên phù hợp với việc thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045. Bản ghi nhớ sẽ thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, góp phần tăng cường mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước trong thời gian tới.

Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung (bên phải) và ông Gra-ham Stu-át (bên trái), Đặc phái viên của Thủ tướng Anh về Thương mại tại buổi làm việc song phương

Trong khuôn khổ Lễ ký, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung và ông Gra-ham Stu-át, Đặc phái viên của Thủ tướng Anh về Thương mại cũng đã dành thời gian làm việc song phương.

Tại buổi làm việc, ông Gra-ham Stu-át chúc mừng Chính phủ Việt Nam đã kiểm soát thành công đại dịch COVID-19 và trong bối cảnh đó tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, ông bày tỏ vui mừng trước những kết quả tích cực về trao đổi thương mại giữa hai nước kể từ khi Hiệp định thương mại tự do Việt-Anh có hiệu lực; cảm ơn Việt Nam ủng hộ Anh gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương. 

Toàn cảnh buổi tiếp

Ông Gra-ham Stu-át cho biết, trong lĩnh vực giáo dục nói chung và lĩnh vực GDNN nói riêng, hai nước đã có nhiều cơ hội hợp tác, học hỏi lẫn nhau. “Bên cạnh giáo dục đại học, chúng ta không thể không nhắc đến vai trò quan trọng của GDNN trong việc đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng được nhu cầu của phát triển kinh tế. Anh luôn ung hộ định hướng phát triển GDNN của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Do đó, việc ký kết Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp giữa hai nước là cơ sở giúp Anh trở thành đối tác lâu dài, đáng tin cậy của Việt Nam trong lĩnh vực GDNN.” - Gra-ham Stu-át khẳng định.

Phát biểu tại buổi tiếp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cảm ơn những chia sẻ của ông Gra-ham Stu-át, đồng thời nhấn mạnh “Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hợp tác toàn diện với Vương quốc Anh, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại và giáo dục. Việt Nam luôn ủng hộ Anh gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương. Đây là việc có lợi cho cả 2 quốc gia”.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá cao những hỗ trợ từ phía Anh trong thời gian qua, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, thông qua Hội đồng Anh.

Các hoạt động hợp tác bao gồm:

  • Các khóa đào tạo ngắn hạn nâng cao chất lượng nhà giáo về kiến thức kinh doanh và khởi sự doanh nghiệp;
  • Phương pháp đào tạo nghề theo năng lực;
  • Đào tạo tiếng Anh chuyên ngành cho giáo viên dạy nghề trọng điểm quốc tế, khu vực ASEAN;
  • Xây dựng và phát triển hệ thống đảm bảo chất lượng tại 21 trường cao đẳng;
  • Liên kết đào tạo giữa các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các tổ chức cấp phát bằng của Anh.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung và ông Gra-ham Stu-át, Đặc phái viên của Thủ tướng Anh về Thương mại nhất trí hai bên cần tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp mà phía Anh có thế mạnh, góp phần phát triển nguồn nhân lực tại Việt Nam trong thời gian tới. 

 VTEDCO - Tuyển dụng và xuất khẩu lao động

— Tin tức —
VTEDCO
– Website tuyển dụng trực tuyến

Bài đọc liên quan

Điểm danh những quốc gia hạnh phúc nhất thế giới năm 2023, Việt Nam tăng 12 bậc

Điểm danh những quốc gia hạnh phúc nhất thế giới năm 2023, Việt Nam tăng 12 bậc

Một công ty du học “tiếp tay” cho học sinh trốn ở lại nước ngoài trái phép

Một công ty du học “tiếp tay” cho học sinh trốn ở lại nước ngoài trái phép

Đề xuất Chính phủ Nhật Bản mở thêm nhóm nghề tiếp nhận lao động Việt Nam

Đề xuất Chính phủ Nhật Bản mở thêm nhóm nghề tiếp nhận lao động Việt Nam

1900.5858.33