...Nghề đi biển có lúc thăng lúc trầm nhưng chưa bao giờ mất đi sức hấp dẫn...

Nhắc lại giai đoạn từ năm 2017 đến 2019 chỉ có khoảng 22 nghìn thuyền viên Việt Nam đăng ký làm việc trên tàu biển (tính cả thuyền viên làm việc trên tàu biển treo cờ nước ngoài) cũng chỉ có khoảng 60% thuyền viên theo nghề. Đây là giai đoạn có thể nói là chán nản của nghề đi biển.

Vậy nguyên nhân do đâu?

Thứ nhất, phải kể đến đó là do đặc thù của nghề thuyền viên. 

Nghề đi biển vẫn được đánh giá là công việc nặng nhọc, vất vả, thường xuyên xa nhà, lênh đênh trên biển…cùng với sự phát triển của nền kinh tế cả nước, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên, người lao động (nhất là lao động trẻ) có nhiều lựa chọn công việc phù hợp trên bờ. Người trẻ quan tâm nhiều tới việc làm trong khu công nghiệp với mức thu nhập ổn định dù không cao, không cần đầu tư nhiều cho học hành.

Các gia đình Việt ngày càng có ít con và tâm lý chung không muốn con cái học và làm nghề đi biển xa cách, vất vả lại tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Bên cạnh đó, công tác truyền thông chưa được quan tâm đúng mức dẫn đến suy nghĩ sai lệch về ngành.

Thứ hai là chính sách đãi ngộ đối với thuyền viên còn chưa thỏa đáng

Các cơ chế, chính sách của Nhà nước hiện nay hầu như chưa tạo được những ưu đãi đặc biệt để thu hút lao động hàng hải.

Tình hình trả lương cho thuyền viên thấp và còn bị nợ lương nhiều tháng liên tục. Các khoản thu nhập chỉ áp dụng cho thuyền viên khi làm việc trên tàu, còn khi nghỉ ngơi, nghỉ phép thì hầu như không có thu nhập cũng như khoản hộ trợ nào khác. Người thủy thủ vẫn ví nghề của mình là “hết mồ hôi là hết tiền”. Một số Công ty môi giới thuyền viên tuyển người cho các doanh nghiệp vận tải biển còn cắt xén lương của thuyền viên. Chế độ ăn ở, đời sống văn hóa, chăm sóc y tế trên tàu không bảo đảm. Một số thuyền viên sau khi bị nợ lương muốn rời tàu cũng không được vì bị chủ tàu giữ giấy tờ, bằng cấp. Cũng có trường hợp thuyền viên ký vào những bản hợp đồng không công bằng mà trong đó quy định khi tìm được người thay thế mới được phép rời tàu.

Thứ ba là những tồn tại trong công tác giáo dục đào tạo nhân lực thuyền viên

Sự phân khúc chưa hợp lý giữa đào tạo đại học và đào tạo nghề cũng ảnh hưởng không nhỏ đến phân bố lao động hàng hải. Công tác tuyển sinh tại các cơ sở đào tạo, huấn luyện ngày càng khó khăn do sự cạnh tranh của các ngành học khác.

Nội dung chương trình đào tạo chưa đề cập hoặc đề cập chưa đầy đủ đối với lĩnh vực thương mại mới, các loại tàu chuyên dụng, tàu đặc thù, đa chức năng, tàu hiện đại, cũng như các công ước, luật pháp quốc tế về hàng hải, xu thế phát triển ngành hàng hải thế giới, tiếng anh cho sĩ quan còn chưa được chú trọng.

Sự phối hợp giữa các trường đào tạo, trung tâm huấn luyện với các cấp quản lý, các doanh nghiệp vận tải biển chưa thực sự thường xuyên, hiệu quả. Thiếu sự gắn kết một cách chặt chẽ về chuyên môn, nghiệp vụ, huấn luyện.

Sự thay đổi mang lại nhiều hi vọng với nghề

Từ năm 2019, sau rất nhiều sự quan tâm của các cơ quan chức năng, sự vào cuộc của các cơ quan báo chí, lương của thuyền viên đã có nhiều cải thiện đáng kể, tình trạng nợ lương, giữ hồ sơ thuyền viên đã giảm, chế độ đãi ngộ và đời sống tinh thần của thuyền viên được nâng cao đã thu hút nhiều thuyền viên quay trở lại với nghề và cũng tạo động lực cho học sinh, sinh viên tham gia học các ngành đi biển.

Tuy nhiên, cung vẫn chưa đủ cầu. Sau 3 năm khủng hoảng với nghề, nguồn cung ứng nhân lực ngành hàng hải bị thiếu hụt, trong khi ngành vận tải biển đang có dấu hiệu ấm dần lên thì đây lại là thách thức không nhỏ với các công ty vận tải biển trong công tác tuyển dụng nhân lực đáp ứng công việc và cho công tác đào tạo nguồn nhân lức hàng hải của các cơ sở đào tạo.

Nghề đi biển có lúc thăng lúc trầm nhưng chưa bao giờ mất đi sức hấp dẫn. Nước ta có đường bờ biển dài trên 3.000 km, diện tích chủ quyền biển đảo trên 1 triệu km2, có vị trí địa lý thuận lợi dễ tiếp cận với các tuyến hàng hải sôi động của quốc tế, có nhiều cửa sông lớn phát triển cảng biển và hạ tầng dịch vụ cảng biển. Người Việt Nam có tố chất thông minh, nhanh nhẹn, tháo vát, chịu khó học hỏi nghề nghiệp, tiếp thu kiến thức, nắm bắt nhanh việc vận hành các máy móc thiết bị hiện đại, được rèn luyện trong gian khổ, không ngại vất vả, khó khăn có tố chất để phát triển nghề thuyền viên hàng hải.

Với những lợi thế trên, các cơ quan quản lý nhà nước về hàng hải, các công ty vận tải biển, công ty cung ứng và phát triển nhân lực hàng hải và đội ngũ thuyền viên, những học sinh sinh viên ngành hàng hải đang ngồi trên ghế nhà trường cần nỗ lực hơn nữa trong việc xây dựng chiến lược, hành động và học tập để phát triển nghề nghiệp, đưa nước ta trở thành một nước đi đầu về cung ứng thuyền viên hàng hải mang tầm vóc quốc tế.

VTEDCO CREW - Tuyển dụng, đào tạo và cung ứng thuyền viên

— Tin tức —
VTEDCO
– Website tuyển dụng trực tuyến

Bài đọc liên quan

Điểm danh những quốc gia hạnh phúc nhất thế giới năm 2023, Việt Nam tăng 12 bậc

Điểm danh những quốc gia hạnh phúc nhất thế giới năm 2023, Việt Nam tăng 12 bậc

Một công ty du học “tiếp tay” cho học sinh trốn ở lại nước ngoài trái phép

Một công ty du học “tiếp tay” cho học sinh trốn ở lại nước ngoài trái phép

Đề xuất Chính phủ Nhật Bản mở thêm nhóm nghề tiếp nhận lao động Việt Nam

Đề xuất Chính phủ Nhật Bản mở thêm nhóm nghề tiếp nhận lao động Việt Nam

1900.5858.33