Từ ngày 15/4/2022, người dân trên cả nước đã tiêm chủng, khai báo chính xác thông tin và được cơ sở tiêm chủng nhập dữ liệu, xác thực thông tin với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, được cấp “Hộ chiếu vaccine”. Đây được xem là chìa khóa để mở cánh cửa ra thế giới, nới lỏng dần các hạn chế nhập cảnh và nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ, khôi phục các ngành du lịch, lữ hành, khách sạn…

“Hộ chiếu vaccine” thực chất là giấy chứng nhận đã tiêm chủng đầy đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19, được điều chỉnh theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm và Điều lệ kiểm dịch Y tế quốc tế, cho phép người có hộ chiếu vaccine không phải cách ly, xét nghiệm COVID-19 khi xuất, nhập cảnh. Chứng nhận “Hộ chiếu vaccine” sẽ được cấp sử dụng định dạng mã QR, hết hạn sau 12 tháng kể từ ngày mã QR được khởi tạo. Theo đó Chính phủ giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tiến hành cấp “hộ chiếu vaccine” cho công dân.

“Hộ chiếu vaccine” sẽ hiển thị 11 trường thông tin, gồm họ và tên, ngày tháng năm sinh, quốc tịch, bệnh dịch mà chứng nhận nhắm tới, số mũi tiêm đã nhận, ngày tiêm, số liều vaccine, sản phẩm vaccine, nhà cung cấp hoặc sản xuất vaccine, mã số của chứng nhận.

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, từ ngày 15.4, Bộ Y tế đã triển khai cấp hộ chiếu vaccine COVID-19 điện tử cho người dân.

Theo Bộ Y tế, quá trình cấp hộ chiếu vaccine gồm 3 bước:

Bước 1: Các cơ sở tiêm chủng rà soát, xác minh, xác thực thông tin người dân tiêm chủng vaccine COVID-19 theo hướng dẫn tại Công văn 8938/BYT-DP ngày 21/10/2021 và Công văn 9438/BYT-CNTT ngày 5/11/2021.

Bước 2: Các cơ sở tiêm chủng thực hiện ký số dữ liệu tiêm chủng vaccine COVID-19 trên Nền tảng quản lý tiêm chủng COVID-19. Nền tảng này kết nối, chia sẻ dữ liệu tiêm chủng với Hệ thống quản lý cấp chứng nhận tiêm chủng vaccine COVID-19 đáp ứng theo các quy định về kết nối dữ liệu y tế do Bộ Y tế ban hành.

Dữ liệu tiêm chủng vaccine COVID-19 trên Nền tảng cần đáp ứng quy định: Đã tiêm đủ mũi vaccine COVID-19 với 8 loại vaccine đã được Bộ Y tế cấp phép (gồm: AstraZeneca, Sputnik V, Vero Cell, Pfizer, Moderna, Janssen, Hayat-Vax và Abdala - mỗi sản phẩm vaccine được gắn 1 mã code).

Bước 3: Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) thực hiện ký số giấy xác nhận tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 tập trung. Chứng nhận được cấp sử dụng định dạng mã QR theo tiêu chuẩn của EU quy định.

Các ứng dụng phòng chống dịch quốc gia và các ứng dụng tiện ích khác (nếu được sự đồng ý của cá nhân người sử dụng) tiếp nhận và lưu giữ xác nhận tiêm chủng vaccine dạng mã QR theo hướng dẫn trao đổi dữ liệu y tế do Bộ Y tế ban hành..

Để tạo thuận lợi cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam và người Việt Nam đi ra nước ngoài, ứng dụng phòng chống dịch PC-Covid vừa bổ sung tính năng “Hộ chiếu vaccine”.

Theo đó, người dân đã tiêm vaccine sau khi được Bộ Y tế cấp chứng nhận hộ chiếu vaccine, ứng dụng PC-Covid sẽ hiển thị thông tin kèm mã QR hộ chiếu tại tiện ích “Hộ chiếu vaccine”. Đồng thời, người kiểm soát có thể dùng tính năng quét mã QR trên ứng dụng PC-Covid để quét mã QR hộ chiếu vaccine của người dân.

Tính năng "Hộ chiếu vaccine" trên ứng dụng PC-Covid. Ảnh chụp màn hình


Bên cạnh PC-Covid, ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử cũng bổ sung tiện ích “Hộ chiếu vaccine”. Hiện tại, tổng số thuê bao cài đặt ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử đã đạt gần 34 triệu và hơn 500.000 người được nhận hộ chiếu vaccine điện tử.

Đại diện Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế cho biết, người dân đã tiêm chủng, khai báo chính xác thông tin và được các cơ sở nhập dữ liệu lên hệ thống tiêm chủng, xác thực thông tin với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, sẽ được cấp hộ chiếu vaccine mà không phải thực hiện thủ tục gì. 

Đối với người dân chưa được cấp hộ chiếu vaccine do thiếu hoặc sai thông tin, cần phản ánh trên Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19 tại địa chỉ tiemchungcovid19.gov.vn hoặc liên hệ trực tiếp cơ sở tiêm chủng để được bổ sung, chỉnh sửa.

Tính đến nay, Việt Nam đã đạt được thỏa thuận về công nhận hộ chiếu vaccine lẫn nhau với 19 nước. Các nước công nhận hộ chiếu vaccine Việt Nam gồm: Nhật Bản, Hoa Kỳ, Anh, Úc, Ấn Độ, Belarus, Campuchia, Philippines, Palestine, Maldives, New Zealand, Sri Lanka, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Singapore, Saint Lucia, Hàn Quốc, Iran và Malaysia.

Người mang hộ chiếu vaccine của các nước này vào Việt Nam và của Việt Nam đến các nước này được áp dụng các biện pháp y tế như người đã tiêm vaccine ở sở tại. Việc công nhận này bao gồm việc miễn thủ tục chứng nhận lãnh sự/hợp pháp hoá lãnh sự khi sử dụng giấy tờ này tại nước tiếp nhận.

Hộ chiếu vaccine được hiểu là giấy chứng nhận tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 hoặc/và giấy xác nhận đã khỏi bệnh COVID-19. Hộ chiếu vaccine được sử dụng để chứng minh lịch sử tiêm chủng, khỏi bệnh của cá nhân, không thay thế cho các giấy tờ có giá trị xuất, nhập cảnh khác như hộ chiếu, thị thực, giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế, giấy thông hành, thẻ tạm trú, thẻ thường trú, giấy miễn thị thực… Hộ chiếu vaccine nước ngoài được coi là hợp lệ và được sử dụng trực tiếp trên lãnh thổ Việt Nam nếu được công nhận chính thức hoặc tạm thời bởi Chính phủ Việt Nam.

Chính sách thị thực cho khách nhập cảnh Việt Nam và cập nhật tình hình công nhận hộ chiếu vaccine lẫn nhau, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết về các chế độ thị thực ở Việt Nam, người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài và thân nhân mang giấy tờ nhập cảnh hợp lệ được nhập cảnh vào Việt Nam theo Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Người nước ngoài vào du lịch thực hiện theo hướng dẫn thí điểm đón khách du lịch quốc tế của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Công dân Việt Nam được về nước tự do trên các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ.

Nhằm góp phần khôi phục và phát triển kinh tế-xã hội cũng như tăng cường hội nhập quốc tế trong trạng thái bình thường mới, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương giữa Việt Nam với các quốc gia và vùng lãnh thổ, Bộ Ngoại giao đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xem xét, quyết định phương án cụ thể về việc cấp và miễn thị thực.

Việc áp dụng thủ tục quy trình cấp thị thực, giấy miễn thị thực được thực hiện theo quy định tại Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài năm 2014, sửa đổi, bổ sung năm 2019 và các văn bản hướng dẫn thi hành; bãi bỏ các yêu cầu về duyệt phương án cách ly sau nhập cảnh, bãi bỏ hạn chế theo mục đích nhập cảnh.

Cùng với đó, được hưởng chính sách miễn thị thực song phương theo các điều ước quốc tế của các nước hoặc theo nguyên tắc có đi có lại; bãi bỏ yêu cầu về nhân sự và phương án cách ly ngay tại địa phương; phục hồi chính sách miễn thị thực đơn phương với 19 nước theo quy định tại điều 13 Luật Xuất nhập cảnh và theo các Nghị quyết của Chính phủ.

Như vậy có thể thấy, hộ chiếu vaccine ra đời đã tạo điều kiện thuận lợi rất nhiều cho những công dân xuất cảnh, nhập cảnh vào Việt Nam và ra nước ngoài trong phạm vi 19 nước công nhận hộ chiếu vaccine lẫn nhau trong thời kỳ dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Còn với những công dân đang làm việc và sinh sông tại Việt Nam, hộ chiếu vaccine này hiện chưa cấp thiết. Hy vọng rằng sẽ ngày càng có nhiều nước công nhận hộ chiếu vaccine của Việt Nam hơn để người lao động được thực hiện ước mơ đi làm nước ngoài của mình.

— Tin tức —
VTEDCO
– Website tuyển dụng trực tuyến

Bài đọc liên quan

Phẩm chất số một mà sếp Google muốn có ở nhân viên

Phẩm chất số một mà sếp Google muốn có ở nhân viên

5 cách gây ấn tượng trong buổi phỏng vấn

5 cách gây ấn tượng trong buổi phỏng vấn

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đào tạo nhân lực bán dẫn là "đột phá của đột phá"

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đào tạo nhân lực bán dẫn là "đột phá của đột phá"

1900.5858.33