Cơ hội mới cho lao động nữ tại Đức
Sang Đức làm việc trong ngành cơ khí, ngoài thu nhập cao còn mở ra cơ hội cho lao động nữ
Ngành cơ khí được xem là phù hợp với nam giới do công việc nặng nhọc và đòi hỏi sức khỏe. Tuy nhiên mới đây, 2 lao động nữ Việt Nam là Trần Thị Tuyết Như (21 tuổi) và Vũ Hoài Thương (24 tuổi), đến từ Đồng Nai, đã khẳng định năng lực của mình trong lĩnh vực này. Cả hai đã sang CHLB Đức làm việc với mức thu nhập 2.300 - 3.200 euro/tháng (khoảng 63 - 88 triệu đồng).
Không phân biệt giới tính
Với thành tích học tập xuất sắc, ngay khi tốt nghiệp ngành cơ khí - cắt gọt kim loại tại Trường Cao đẳng Công nghệ Quốc tế Lilama 2 (tỉnh Đồng Nai), Tuyết Như đã được Công ty Dr. Dietrich Müller GmbH (bang Niedersachsen) tuyển dụng vào vị trí kỹ thuật viên cắt kim loại.
Vũ Hoài Thương (phải) học tập tại Trường Cao đẳng Công nghệ Quốc tế Lilama 2 trước khi sang Đức làm việc.Ảnh: GIZ
Như cho biết sau khi tốt nghiệp THPT, trong lúc vẫn còn băn khoăn về tương lai, chị được anh trai (đang học ngành cơ khí - cắt gọt kim loại tại Trường Cao đẳng Công nghệ Quốc tế Lilama 2) gợi ý rằng nếu tham gia chương trình "Cơ chế đối tác thúc đẩy giáo dục nghề nghiệp và di cư lao động định hướng phát triển" (PAM) tại trường thì sẽ được miễn học phí. Khi quyết định theo học, Tuyết Như chỉ mong muốn ở gần nhà để giảm bớt gánh nặng cho gia đình và chưa bao giờ nghĩ rằng sẽ có cơ hội làm việc tại Đức - quốc gia nổi tiếng với nền công nghiệp cơ khí tiên tiến hàng đầu thế giới.
"Ngành cơ khí thường dành cho nam giới nhưng khi tìm hiểu, tôi thấy cơ khí có 2 nhánh chính: cơ khí chế tạo và cơ khí lập trình. Cơ khí chế tạo thường phức tạp và yêu cầu nhiều sức lực, trong khi cơ khí lập trình thì nhẹ nhàng hơn" - Như nói. Dù đã chuẩn bị khá kỹ lưỡng nhưng Như vẫn gặp nhiều khó khăn trong những ngày đầu học nghề, nhất là học tiếng Đức. Nhưng với cố gắng, ham học hỏi cùng sự ủng hộ từ gia đình, Như đã vượt qua tất cả.
Đến Đức lần này cùng Tuyết Như là Vũ Hoài Thương - cô gái có hoàn cảnh khá đặc biệt. Ba mẹ cô đều làm việc trong ngành cơ khí vì vậy họ hiểu rất rõ sự vất vả của nghề này. Khi biết tin con gái muốn dừng việc học tại một trường đại học ở TP HCM để theo đuổi ngành cơ khí, ba mẹ cô đã phản đối quyết liệt.
Nhưng với niềm đam mê và sự quyết tâm, Thương đã dành thời gian dài để thuyết phục và nhận được sự đồng ý từ gia đình. "Hiện nay có nhiều công ty tuyển dụng lao động dựa trên năng lực, không phân biệt giới tính. Vì vậy, ngành cơ khí tại Đức đang mở ra nhiều cơ hội mới cho lao động nữ như chúng tôi" - Thương bày tỏ.
Trong suốt quá trình học tập, không chỉ được đào tạo về chuyên môn, Thương và Như còn được trang bị kiến thức về ngôn ngữ, văn hóa, lịch sử và luật pháp Đức. Điều này giúp họ tự tin hơn khi đến làm việc tại quốc gia này. Khi vừa đặt chân đến Đức, cả hai đã được đại diện của doanh nghiệp (DN) ra đón tại sân bay. Ngoài ra, công ty còn hỗ trợ chỗ ở và những nhu cầu sinh hoạt ban đầu, giúp cả hai nhanh chóng thích nghi với cuộc sống mới.
Đào tạo lao động đạt chuẩn quốc tế
Trong buổi tiễn Như và Thương sang Đức làm việc tại Tổng Lãnh sự quán Đức ở TP HCM, ông Christopher Scholl, Phó Tổng Lãnh sự Đức, nhấn mạnh Đức đang rất cần những lao động có tay nghề để phát triển kinh tế và sẽ tiếp tục thu hút các lao động trẻ có tiềm năng sang Đức học tập và làm việc. "Trước đây, ngành cơ khí thường chỉ tuyển lao động nam. Nhưng nay các DN nhận ra tiềm năng của lao động nữ, thậm chí đánh giá họ có thể làm việc tốt hơn cả nam giới" - ông Christopher Scholl nói.
Ông Nguyễn Khánh Cường, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ Quốc tế Lilama 2, cho biết tháng 3-2022, được sự ủy quyền của Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức (BMZ) và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) và Trường Cao đẳng Công nghệ Quốc tế Lilama 2 đã phối hợp tổ chức khóa đào tạo cắt gọt kim loại (thuộc ngành cơ khí) theo tiêu chuẩn Đức trong khuôn khổ chương trình PAM tại Việt Nam.
Qua đó, đã đào tạo cho 50 sinh viên đến từ các vùng nông thôn, miền núi và thành thị thuộc các tỉnh, thành trên toàn quốc; học phí hoàn toàn miễn phí. Điều này đánh dấu một bước tiến lớn trong việc đào tạo lao động kỹ thuật cao, không chỉ phục vụ thị trường lao động trong nước mà còn hướng tới thị trường quốc tế.
Ông Nguyễn Khánh Cường cho biết mô hình "đào tạo kép" của Đức rất đặc biệt. Sinh viên vừa học lý thuyết vừa thực hành tại DN, trong đó có 30% thời gian học lý thuyết tại trường nghề và 70% thời gian học thực hành tại DN. Trong phần học lý thuyết, sinh viên được tiếp cận mô-đun thật hoặc bài giảng 3D trên màn hình thay vì chỉ học lý thuyết suông. "Mục tiêu của nhà trường là đào tạo lực lượng lao động đạt chuẩn quốc tế, đưa sang Đức làm việc từ sớm. Chúng tôi đã mất 10 năm để đạt được thành tựu này" - ông Cường nói.
Trong thời gian tới, nhà trường sẽ tiếp tục hợp tác với các DN để nhân rộng mô hình đào tạo theo tiêu chuẩn Đức, đồng thời cập nhật công nghệ và trang thiết bị hiện đại nhằm đáp ứng nhu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Từ đó, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn góp phần nâng cao uy tín của lao động Việt Nam trên thị trường quốc tế.
_Sưu tầm_