https://vtedco.vn/assets/img/bn2.png

Đời thủy thủ trên tàu đa quốc tịch

Tàu đa quốc tịch là cách nói về những con tàu có các thuyền viên đến từ nhiều nước khác nhau cùng làm việc.

Sự khác biệt về văn hóa, tín ngưỡng, đôi khi là quan điểm chính trị khiến cuộc sống của những thủy thủ có thêm nhiều trải nghiệm.

Khó tránh mâu thuẫn

Sau một thời gian nghỉ ngơi chốn quê nhà, anh Phan Đức Dũng (44 tuổi, đang làm việc trên đội tàu Stolt Tanker của Hà Lan) lại tiếp tục hành trình trên những con tàu lênh đênh chở hàng khắp thế giới. Đi cùng anh là thuyền viên với nhiều quốc tịch khác nhau.

Đời thủy thủ trên tàu đa quốc tịch- Ảnh 1.

Thuyền trưởng Phan Đức Dũng đã quen làm việc với các thuyền viên người nước ngoài.

Làm việc cho chủ tàu nước ngoài từ khi bắt đầu đi biển, anh Dũng không còn lạ lẫm với cuộc sống trên những chiếc tàu có thuyền viên từ nhiều quốc gia. Thậm chí, có thời điểm, thuyền viên trên tàu của anh đến từ 8 nước khác nhau.

"Điều này cũng nhiều thú vị, song khá phức tạp bởi sự khác biệt về văn hóa, ẩm thực, tín ngưỡng. Trong đó, cái nhìn của những người nước ngoài về trình độ, chuyên môn của thuyền viên Việt khiến tôi trăn trở", anh chia sẻ.

Dù đã lên chức danh thuyền trưởng được 2 năm nay, đôi lúc anh Dũng vẫn chịu nghi ngờ, dò xét từ cấp dưới. Anh nhớ, có lần đi với đại phó là người Hà Lan, người này thời gian đầu luôn nghi ngờ chuyên môn của anh, vặn vẹo đủ thứ.

"Họ được đào tạo ở những trường hàng hải hàng đầu thế giới nên luôn cho rằng mình ở đẳng cấp khác. Phải mất 1-2 tháng để tôi từng bước khẳng định chuyên môn, dần lấy được niềm tin của họ", anh kể và cho rằng, thực tế điều này xảy ra không chỉ với người Việt Nam mà cả với các thuyền viên châu Á như Trung Quốc, Philippines.

Vị thuyền trưởng không quên trên chuyến tàu từ Singapore đi Trung Quốc đúng đợt bão quét qua khu vực Philippines và Việt Nam. Chưa biết đường đi của bão ra sao, với vai trò thuyền trưởng, anh đã cho neo tàu tại khu vực đảo Phú Quý để đảm bảo an toàn.

Thời tiết xấu, trong khi nhiên liệu của tàu nguy cơ bị thiếu nếu tàu trì hoãn lâu. Lúc này, anh đã họp với máy trưởng người Philippines để phân tích lại. Máy trưởng Philippines tỏ thái độ, lớn tiếng, khẳng định mình có chuyên môn tốt . "Tôi phải cố gắng để dàn xếp ổn thỏa. Mọi thứ chỉ để hành trình an toàn nhất", anh kể.

Rèn luyện tính chuyên nghiệp

Không chỉ chuyện chuyên môn, việc đi trên tàu với thuyền viên đến từ nhiều quốc gia cũng giúp thuyền trưởng Dũng thấy được nhiều điều trong cách hành xử của các đồng nghiệp. Một trong những câu chuyện anh nhớ nhất là mối quan hệ của hai thuyền viên người Nga và Ukraine.

Đời thủy thủ trên tàu đa quốc tịch- Ảnh 2.

Sỹ quan Phan Ngọc Long (thứ hai từ phải) và những thuyền viên ngoại quốc.

Trước và sau khi cuộc xung đột của hai quốc gia xảy ra, hai thuyền viên coi nhau như anh em. Sau đó, cả hai trở mặt. "Tình hình khiến công ty phải liên tục xoay chuyển người, khuyến khích anh em đoàn kết, không mang chuyện chính trị vào công việc", vị thuyền trưởng 44 tuổi chia sẻ.

Trên một con tàu khác, chàng sỹ quan máy 2 Phan Ngọc Long (31 tuổi) cũng hằng ngày tiếp xúc, làm việc chung với nhiều thuyền viên nước ngoài. Tốt nghiệp Đại học GTVT TP.HCM năm 2016, anh đã đi đánh thuê cho chủ tàu châu Âu nên quen cuộc sống trên con tàu đa quốc tịch. Điều đó giúp anh rèn tính chuyên nghiệp, song đôi lúc không tránh khỏi mâu thuẫn.

Đời thủy thủ trên tàu đa quốc tịch- Ảnh 3.

Sỹ quan Phan Ngọc Long (đầu tiên từ trái) sống trên tàu cùng những người bạn đa quốc tịch.

Lần đầu đi tàu với chức danh thực tập sỹ quan trên chuyến tàu chạy khu vực châu Mỹ, anh chịu sự quản lý của hai người Nga. Công việc thường ngày của anh là ghi chép các thông số kỹ thuật của máy móc. Một lần, vị máy hai gọi anh lên sau giờ làm việc và kiểm tra kiến thức. Do mới ra trường, kiến thức còn hạn hẹp nên anh không trả lời đúng những điều mà người này mong muốn.

"Ông ấy dùng những lời lẽ khó nghe khiến tôi bị sốc mấy ngày. Tuy nhiên, người Đông Âu vốn tính thẳng thắn, khác với sự khéo léo như trong văn hóa Á Đông. Sau khi mắng xong, họ không để bụng. Trở về từ chuyến tàu, ông ấy vỗ vai và khen tôi đã có sự tiến bộ, chịu khó học hỏi", chàng sỹ quan kể lại.

Tình bạn xuyên quốc gia

Dẫu biết việc sinh hoạt, làm việc trên một tàu đa quốc tịch sẽ có nhiều vấn đề phức tạp, song anh Đặng Quang Trung (27 tuổi, máy 4 trên tàu Trung Quốc) khá thoải mái. Tâm niệm "ít nói thì ít lỗi" nên trong quá trình làm việc trên tàu, Trung thường hạn chế tối đa mâu thuẫn với các thuyền viên, giải quyết mọi việc theo hướng "dĩ hòa vi quý". Ba năm đi tàu, các thuyền viên trên tàu của anh đều hiền hòa, ít xung đột, việc ai nấy làm.

Đời thủy thủ trên tàu đa quốc tịch- Ảnh 4.

Máy 4 Đặng Quang Trung vui vì có nhiều người bạn nước ngoài thân thiết sau khi làm việc chung trên tàu.

Anh kể, tàu của anh có lúc đa dạng thuyền viên từ các nước như Philippines, Myanmar, Ấn Độ, Ukraine... Văn hóa của các quốc gia này khá khác nhau, đặc biệt trong ẩm thực. May mắn, chủ tàu tâm lý nên đầu bếp được yêu cầu cố gắng đáp ứng nhu cầu của mỗi người. Chẳng hạn, khẩu phần ăn cho thuyền viên Myanmar, Ấn Độ thường không có thịt lợn, thịt bò.

Anh còn kết thân được với một số người bạn nước ngoài. Tới giờ, dù không làm việc chung song mọi người vẫn thi thoảng hỏi thăm tình hình của nhau.

"Cách đây 1 năm, tàu của tôi chạy từ Trung Quốc sang Dubai. Tới Ấn Độ, một thuyền viên phải xuống tàu vì hết hạn. Khoảng 3 tháng sau, tôi tình cờ gặp gỡ người đồng nghiệp khi anh đang đi siêu thị tại Nga. Cả hai vô cùng bất ngờ, ôm nhau mừng rỡ. Sau 3 tháng, người bạn đó đã đi tàu khác, chúng tôi vẫn có duyên gặp lại sau khi đi nửa vòng trái đất", anh tâm sự.

Trong khi đó, chàng sỹ quan máy 2 Ngọc Long lại có những kỷ niệm khó quên bên những người đồng nghiệp ngoại quốc. Đi tàu chạy tuyến world wide, Long được chứng kiến và trải qua nghi lễ đặc biệt mà chỉ những thuyền viên mới có dịp trải nghiệm. Đó là lễ vượt đường xích đạo của người đạo thiên chúa.

Anh nhớ mãi lần đầu đi qua xích đạo đã bị các thuyền viên trói lại và "chơi khăm", dìm đầu vào chum nước đầy giấm, hành, tỏi, ớt. Thuyền trưởng đặt một cây kiếm lên ngực Long và xin phép các thần linh của biển cả phù hộ cho anh để từ nay, anh trở thành đứa con của biển cả.

"Dù đã được các thuyền viên báo trước nhưng tôi cũng hơi hoang mang. Việc bị dìm xuống nước, bị đập trứng sống lên đầu và thảy bột đúng là trải nghiệm có một không hai", chàng kỹ sư 31 tuổi dí dỏm.

_Sưu tầm_

VTEDCO
Đăng lúc: 00:00 02/05/2024