https://vtedco.vn/assets/img/bn2.png

Hai xu hướng 'side hustles' và 'lazy girl job' nói gì về người trẻ?

Theo một khảo sát mới nhất của Deloitte kết nối với gần 24,000 Gen Z và Millennials trên 44 quốc gia, khoảng một nửa trong số đó (52% Gen Z và 49% Millennials) trả lời rằng họ cảm thấy kiệt sức trong công việc. Con số tăng lên 5% so với cùng kỳ năm 2022.

Tuy nhiên, trong cùng khảo sát cũng cho thấy có đến 40% người trẻ đảm nhận một công việc được trả lương khác bên cạnh công việc chính của mình. Số khác thì có xu hướng quan tâm đến sức khỏe tinh thần và yêu cầu khối lượng công việc thích hợp hơn. Hai xu hướng dường như có vẻ đối nghịch này liệu có điểm chung nào? Người trẻ có đang tự mâu thuẫn với chính mình?

Trước khi nói về điểm chung, hãy thử làm rõ hơn về 2 xu hướng việc làm gần đây.

“Việc tay trái” – Bận rộn hơn một cách ý nghĩa

Nguồn: cottonbro/Pexels

Việc tay trái hay side hustles có thể được hiểu là công việc làm thêm bên cạnh công việc toàn thời gian.

Để phân biệt với khái niệm công việc bán thời gian (part-time), side hustles là công việc mà ở đó thu nhập của bạn được trả theo khối lượng công việc, nghĩa là bạn làm nhiều thì được trả nhiều, làm ít thì lương ít. Ngoài ra, lựa chọn làm lúc nào, ở đâu là tuỳ bạn.

Theo khảo sát, đối với người trẻ, công việc tay trái được xem là cơ hội phát triển bản thân (27%), là sở thích (24%) hoặc là một cách để tìm thấy khoảng “thở” khỏi công việc chính đang ngột ngạt (24%).

Anti-work – Cuộc chiến với trải nghiệm đi làm tồi tệ

Ở một diễn biến khác, anti-work được biết đến như một phong trào đòi quyền lợi cho người lao động. Nó chất vấn về độ hiệu quả của những công việc làm theo giờ hành chính (9-to-5), và đặt ra câu hỏi rằng chúng ta có nên giảm bớt thời gian làm việc, nhằm khuyến khích cân bằng giữa công việc và cuộc sống.

Gần đây, phong trào anti-work quay trở lại với cụm từ lazy girl jobs (tạm dịch: công việc cho những nàng lười) trên mạng xã hội nhằm chống lại áp lực công việc và môi trường làm việc tiêu cực. Tuy nhiên, cái tên “anti” hay “lazy” lại thường gây hiểu nhầm rằng những phong trào này khuyến khích mọi người lười biếng.

Thực tế, những cô nàng tự nhận mình “lười” này không né tránh công việc, mà họ mong muốn giảm bớt suy nghĩ thừa và đặt ra những giới hạn cho bản thân. Có lẽ phần lớn bởi vì họ cảm thấy công việc mình làm mang lại ít giá trị hoặc công việc đòi hỏi quá nhiều so với những gì họ nhận được.

Theo tờ Harper Bazaar, anti-work và lazy girl job giống như một lời tuyên bố của người trẻ, khi họ hiểu được rằng ở thời đại này, cống hiến hết mình có thể sẽ không mang tới sự đầy đủ như lúc xưa người ta vẫn hay làm.

Hai xu hướng, nhiều mục đích chung

Side hustle đòi hỏi chúng ta phải dành nhiều thời gian hơn để làm việc, còn phong trào anti-work lại khuyến khích làm việc ít hơn để đạt được hiệu quả. Thoạt nghe thì như hai đầu tàu khác nhau, nhưng tác giả bài viết này tin rằng cả hai đều hướng đến cùng một đích với nhiều điểm chung.

1. Hướng đến văn hoá tự chủ hơn

Side hustle mang đến cho chúng ta tự do để lựa chọn tính chất công việc. Anti-work giúp giảm bớt áp lực, thời gian làm việc và hạn chế những yêu cầu vô lý từ cấp trên. Tất cả đều mong muốn bạn có nhiều thời gian cho bản thân để chủ động trong cuộc sống của mình.

Nguồn: Sam Lion/ Pexels

2. Thách thức suy nghĩ của chúng ta về công việc

Trong khi anti-work trực tiếp đặt vấn đề về độ hiệu quả của mô hình làm việc từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều, side hustles giống như một phép thử giúp người trẻ trải nghiệm làm việc không theo truyền thống nào. Cả hai như cặp đôi lý thuyết - thực hành bổ sung cho nhau.

3. Hồi đáp tình hình kinh tế bất ổn

Cả hai phong trào cho dù là có từ trước hay mới hình thành gần đây đều nổi lên do sự bất ổn của thị trường lao động. Người trẻ thích nghi với lạm phát lối sống bằng cách tạo thêm nhiều nguồn thu nhập và bảo đảm tài chính của bản thân khi gặp rủi ro. Cùng lúc đó, họ cũng đấu tranh để bảo vệ công việc lẫn những phúc lợi khác mà nó mang tới.

4. Tập trung vào chất lượng cuộc sống

Cuối cùng và trên hết, cả hai nhóm đều hướng đến một chủ nghĩa nhân văn hơn, vì lợi ích của con người.

Cả hai quan điểm cùng đặt vấn đề về bản chất của công việc, về vai trò của nó trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Công việc gắn liền với cuộc sống, đôi khi còn nhiều hơn thời gian nghỉ ngơi, vì thế nó nên mang đến những trải nghiệm tích cực và ý nghĩa nhất.

Vậy thế nào là một công việc ý nghĩa?

Nguồn: Michael Burrows/ Pexels

Mỗi người sẽ có cho mình định nghĩa riêng về một công việc có ý nghĩa. Đó có thể là một công việc thoả mãn nhu cầu về thành tựu, giúp mình khẳng định bản thân hay đơn giản chỉ là bảo đảm tài chính của ta trong một khoảng thời gian nhất định. Nhưng đối với bài viết này, bài học rút ra từ hai xu hướng trên đó là chúng ta có nhu cầu tự chủ và được thể hiện bản thân mình (self-actualization needs) trong công việc.

Theo Gallup, những cô gái tìm kiếm từ khoá lazy girl đa phần chia sẻ rằng được làm những việc họ giỏi nhất sẽ là yếu tố quan trọng trong lần tìm việc tiếp theo. Nói cách khác, họ không tìm kiếm những công việc nhẹ lương cao mà ngược lại, những công việc có độ thử thách vừa phải kích thích họ làm việc năng suất hơn.

Nghiên cứu cũng cho thấy rằng khi bạn làm công việc bạn giỏi sẽ giúp bản thân giảm bớt áp lực và kiệt sức trong công việc. Bạn sẽ trở nên năng suất, có động lực làm việc đồng thời gia tăng sự hài lòng với công việc mình làm.

Ngoài ra, một công việc mà bạn có thể tự chủ sẽ giúp giảm thiểu gánh nặng trong công việc. Những cô gái "lười biếng" đa phần nhắc tới sự bất công và giao tiếp thiếu hiệu quả với cấp trên, và theo Gallup, đây mới chính là những tác nhân chính gây ra áp lực.

Tự chủ, ngoài sự linh hoạt về thời gian và không gian làm việc, còn bao gồm cả những kế hoạch và lựa chọn bạn đưa ra cho mình. Chủ động chia sẻ với sếp về những vấn đề bạn đang gặp phải, về những phúc lợi bạn cần hay đề xuất tăng lương là những chuyện nên làm mà nhiều người Việt vẫn chưa dám làm.

_Sưu tầm_

VTEDCO
Đăng lúc: 00:00 19/02/2024