Kết nối việc làm cho lao động lớn tuổi
Tại các đô thị, nhiều ngành nghề, dịch vụ "khát" nhân lực, phù hợp cho lao động nữ trung niên
Mất việc ở tuổi 42, chị Nguyễn Thị No (quê An Giang), công nhân (CN) công ty giày da tại quận Bình Tân, TP HCM may mắn xin được một chân phụ bếp ở một trường học với tiền công 200.000 đồng/ngày.
Chịu khó sẽ có việc làm
Chồng chị No làm phụ hồ, công việc bữa có bữa không nên thu nhập rất bấp bênh. 2 con đang tuổi ăn học, cả gia đình đang ở trọ, nên khi mất việc chị luôn sống trong tâm trạng bất an. "Nay có công việc mới, tôi như trút được gánh nặng. Vào làm rồi mới thấy, nếu chịu khó thì phụ nữ trung niên sẽ không khó có việc làm ở những đô thị lớn" - chị No nói.
Tại hội thảo "Bài toán đào tạo việc làm cho phụ nữ tuổi trung niên" do Báo Phụ nữ TP HCM phối hợp Hội LHPN thành phố tổ chức mới đây, bà Lượng Thị Tới, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) TP HCM, thông tin TP HCM là một trong những địa phương có lực lượng lao động đông nhất cả nước.
Thống kê cho thấy, năm 2023 có trên 4,7 triệu lao động trong các thành phần kinh tế, tỉ lệ nữ chiếm trên 46%. Trong năm 2023, rất nhiều DN gặp khó khăn do thiếu đơn hàng, dẫn đến người lao động (NLĐ) bị mất việc, giảm giờ làm. Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố đã tiếp nhận và giải quyết 164.929 trường hợp nhận trợ cấp thất nghiệp, trong đó nữ chiếm 56,3%. Số lao động nữ trên 40 tuổi mất việc chiếm 27,5% trong tổng số lao động nữ thất nghiệp, tập trung nhiều ở lĩnh vực dệt may, da giày, các hoạt động dịch vụ thương mại, hành chính văn phòng...
Là người gắn bó và có nhiều nghiên cứu về DN, thị trường, NLĐ, nhà báo Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao, tỏ ra lạc quan khi nhận thấy các công ty sử dụng nhiều lao động bắt đầu có đơn hàng và tuyển dụng lao động trở lại. Bên cạnh đó, nhiều dịch vụ mở rộng cũng đang cần nhiều nhân lực là phụ nữ trung niên như các dịch vụ nuôi người bệnh, giúp việc nhà...
Lao động nữ lớn tuổi có thể tham gia dịch vụ đang có nhu cầu cao như nuôi người bệnh, giúp việc nhà
Tăng cường hỗ trợ
Bà Vũ Kim Hạnh cũng thông tin mặc dù lao động thất nghiệp nhiều nhưng bạn bè bà lại gặp khó khăn khi tìm người giúp việc. Nhiều người than không tìm được người giúp việc, trong khi nhiều người thất nghiệp lại không biết đi đâu để tìm việc làm. Do vậy, vấn đề đặt ra là phải làm sao để cung - cầu gặp nhau. Điều này đòi hỏi sự chung tay kết nối.
Bà Hạnh cũng chỉ ra rằng hiện nay Việt Nam có hệ thống bán lẻ rộng khắp, có nguồn lực về công nghệ rộng khắp giúp phát triển hình thức "mama shop" - tự tạo việc ở nhà. Đơn cử như có nhiều bà mẹ vừa ru con vừa livestream và chốt đơn rất mát tay. Công việc này phù hợp với lao động lớn tuổi. Họ hình thành mạng lưới phân phối từ khát vọng tạo việc làm để có thu nhập và lợi nhuận.
Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động (Sở LĐ-TB-XH) dự báo cung lao động khoảng 4,8 triệu người; cầu lao động khoảng 300.000 - 320.000 chỗ làm việc. Nhu cầu nhân lực tập trung chủ yếu ở khu vực thương mại - dịch vụ chiếm 71,31% tổng nhu cầu nhân lực, khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 28,58% và khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 0,11%.
Sở LĐ-TB-XH đã chỉ đạo trung tâm thực hiện tổ chức kết nối việc làm cho NLĐ thông qua việc tổ chức các sàn giao dịch việc làm để tạo điều kiện cho họ và DN có cơ hội ngồi lại tìm hiểu, thỏa thuận. "Với TP Thủ Đức, sở đã đề nghị địa phương có sự quan tâm theo dõi về tình hình lao động tại các DN trên địa bàn để kịp thời kết nối, giải quyết và tăng cường thông tin các hoạt động hỗ trợ việc làm cho NLĐ, thông qua việc cho vay vốn ưu đãi, giúp họ tự tạo việc làm" - bà Lượng Thị Tới thông tin.
_Sưu tầm_