Lao động Việt Nam đi làm việc tại Hàn Quốc sẽ không phải đóng BHXH 2 lần
Hiệp định song phương về BHXH giữa 2 quốc gia là bước tiến quan trọng, giúp bảo vệ quyền lợi người lao động Việt Nam đi làm việc tại Hàn Quốc, tránh tình trạng đóng trùng BHXH
Tại Hội nghị triển khai Hiệp định Việt Nam - Hàn Quốc về BHXH khu vực phía Nam, do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) phối hợp với BHXH Việt Nam tổ chức tại TP HCM mới đây, ông Trần Hải Nam, Phó Vụ trưởng Vụ BHXH, đã trình bày những điểm chính của Hiệp định cũng như các quy định mới trong Luật BHXH năm 2024 liên quan đến đàm phán và ký kết các hiệp định về BHXH quốc tế.
Hội nghị triển khai Hiệp định Việt Nam - Hàn Quốc về BHXH khu vực phía Nam
Theo ông Nam, Luật BHXH 2014 yêu cầu người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và người nước ngoài làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động (hoặc chứng chỉ hành nghề, giấy phép hành nghề) đều phải tham gia BHXH bắt buộc. Trong khi đó, Luật Hưu trí quốc gia Hàn Quốc cũng quy định rằng người nước ngoài từ 18 đến 60 tuổi đang sinh sống và làm việc tại Hàn Quốc phải tham gia chương trình hưu trí giống như người dân bản địa. Điều này tạo ra tình trạng "đóng trùng", khiến người lao động Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc phải đóng BHXH ở cả hai nước.
Lao động Việt Nam xuất cảnh sang Hàn Quốc làm việc
Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ Việt Nam đã giao Bộ LĐ-TB-XH chủ trì đàm phán Hiệp định BHXH với Hàn Quốc từ năm 2015. Sau bốn vòng đàm phán, hai bên đã đạt được sự thống nhất về nội dung của Hiệp định. Ngày 14-12-2021, tại Thủ đô Seoul (Hàn Quốc), Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung và Bộ trưởng Bộ Y tế và Phúc lợi xã hội Hàn Quốc Kwon Deok-cheol đã chính thức ký kết Hiệp định song phương về BHXH giữa hai quốc gia.
Theo ông Nam, việc ký kết Hiệp định này có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi của người lao động, giúp họ tránh phải đóng BHXH hai lần khi làm việc tại Hàn Quốc.
"Tính đến nay, Việt Nam có hơn 650.000 lao động làm việc ở nước ngoài, trong đó hơn 80.000 người đang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS (Chương trình cấp giấy phép lao động). Đồng thời, Việt Nam cũng tiếp nhận hơn 150.000 lao động nước ngoài, bao gồm nhiều lao động Hàn Quốc. Điều này nhấn mạnh tính cấp thiết của việc ký kết Hiệp định để đảm bảo sự hài hòa quyền lợi cho cả hai phía" – ông Nam nói.
Đại diện các đơn vị, doanh nghiệp đặt câu hỏi để hiểu rõ hơn về Hiệp định Việt Nam - Hàn Quốc về BHXH và Luật BHXH năm 2024
Không chỉ dừng lại ở Hàn Quốc, Chính phủ Việt Nam đang thúc đẩy đàm phán với nhiều quốc gia khác có số lượng lao động Việt Nam lớn, nhằm mở rộng phạm vi hợp tác song phương về BHXH. Đặc biệt, Việt Nam đã có 5 cuộc trao đổi với Nhật Bản kể từ năm 2018 để tiến tới việc ký kết Hiệp định tương tự. Dự kiến, hai bên sẽ chính thức đàm phán vào quý I-2025.
Ông Phạm Trường Giang, Vụ trưởng Vụ BHXH, Bộ LĐ-TB-XH, cho biết việc hợp tác song phương về BHXH không chỉ bảo vệ quyền lợi hưu trí và chế độ phúc lợi khác cho người lao động, mà còn mang lại lợi ích dài hạn cho doanh nghiệp và quốc gia. Quá trình đàm phán Hiệp định với Hàn Quốc mất 6 năm vì đây là hiệp định đầu tiên mà Việt Nam ký kết trong lĩnh vực này, nên còn nhiều bỡ ngỡ. "Tuy nhiên, với kinh nghiệm có được, thời gian đàm phán với các quốc gia khác sẽ rút ngắn đáng kể, mở ra cơ hội hợp tác nhanh chóng hơn trong tương lai" – ông Giang nhấn mạnh.
_Sưu tầm_