Malaysia bổ sung loạt chính sách mới về lao động nước ngoài
Chính phủ Malaysia vừa công bố một loạt chính sách mới liên quan đến lao động nước ngoài, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đưa lao động Việt Nam sang làm việc tại Malaysia cần đặc biệt lưu ý các thay đổi này
Cục Quản lý Lao động Ngoài nước (Dolab), Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã ban hành Công văn số 1256/CQLLĐNN-NBĐNA để thông báo đến các doanh nghiệp dịch vụ đưa lao động Việt Nam sang Malaysia làm việc.
1. Chính sách dừng cấp hạn ngạch tiếp nhận lao động nước ngoài và hủy bỏ hạn ngạch đã cấp:
Tháng 5-2024, Chính phủ Malaysia tiếp tục gia hạn chính sách dừng cấp hạn ngạch tiếp nhận lao động nước ngoài được áp dụng từ tháng 3-2023. Đồng thời, từ 1-6-2024 sẽ huỷ bỏ hạn ngạch đã được cấp để tuyển dụng lao động nước ngoài nhưng không sử dụng hết và chỉ cho phép người lao động nước ngoài nhập cảnh vào Malaysia làm việc theo hạn ngạch đã được cấp đến hết 31-5-2024.
2. Chương trình Hồi hương lao động di cư (Migrant Repatriation Programme):
Chương trình được thực hiện từ ngày 1-3-2024 đến hết 31-12-2024 nhằm tạo điều kiện cho lao động nước ngoài không có giấy tờ hợp pháp tự nguyện đăng ký về nước mà không bị truy tố. Một số điểm chính của chương trình như sau:
- Đối tượng áp dụng: người nhập cư, lao động không có giấy tờ hợp lệ và những người vi phạm điều kiện về thị thực lưu trú tại Malaysia.
- Chi phí hồi hương: do người nhập cư, người lao động chi trả. Mức phí có thể thay đổi tùy thuộc vào tình trạng của họ và các điều khoản cụ thể của chương trình.
- Quy trình đăng ký: Người lao động có thể đăng ký trực tuyến qua trang thông tin điện tử chính thức của Cục nhập cư Malaysia (https://www.imi.gov.my) hoặc đăng ký trực tiếp tại Văn phòng nhập cư gần nhất.
Cán bộ Trung tâm Dịch vụ việc làm TP HCM tư vấn thông tin đi làm việc ở nước ngoài đến người lao động
3. Chính sách mở rộng chi trả bảo hiểm đối với các trường hợp mất khả năng lao động áp dụng đối với lao động nước ngoài:
Trước đây, người lao động nước ngoài tại Malaysia chỉ được áp dụng chương trình tai nạn lao động (cung cấp bảo hiểm đối với các tai nạn hoặc bệnh nghề nghiệp xảy ra trong quá trình làm việc). Tuy nhiên, từ ngày 1-7-2024, người lao động nước ngoài tại Malaysia sẽ được áp dụng Chương trình Bảo hiểm mất khả năng lao động áp dụng đối với lao động nước ngoài của Tổ chức An sinh Xã hội (SOCSO). Cụ thể, người lao động sẽ được cung cấp bảo hiểm 24 giờ đối với bất kỳ trường hợp mất khả năng lao động hoặc tử vong do bất kỳ nguyên nhân nào.
Tuy nhiên, chính sách này cũng làm tăng thêm chi phí cho cả người sử dụng lao động và người lao động. Trong đó, mức đóng của người sử dụng lao động là 1,75% tiền lương hằng tháng của người lao động (mức cũ là 1,25%); người lao động sẽ đóng thêm 0,5%, khấu trừ từ lương hàng tháng.
4. Chính sách áp dụng Chứng chỉ năng lực kỹ năng xây dựng (SKKP) và khóa học hướng dẫn an toàn lao động cho công nhân ngành xây dựng (SICW) tại quốc gia phái cử lao động:
- Từ tháng 1-2025, người lao động nước ngoài phải có SKKP và tham gia SICW trước khi nhập cảnh vào Malaysia để làm việc trong ngành xây dựng.
- 9 ngành nghề yêu cầu phải có chứng chỉ SKKP nêu trên bao gồm: (1) ngành xây dựng dân dụng: thợ nề, thợ thạch cao, thợ ốp lát, thợ uốn sắt, thợ mộc khuôn bê tông, thợ đổ bê tông, thợ sơn trang trí tòa nhà; (2) ngành dầu khí: thợ lắp đặt và sửa chữa hệ thống khí III, thợ lắp đặt cách nhiệt ống gas.
- Chi phí cấp SKKP và SICW:
+ Ngành xây dựng dân dụng: 750 RM/lao động
+ Ngành dầu khí: 850 RM/lao động.
- Trung tâm đánh giá và cấp chứng chỉ tại Việt Nam: Trong thời gian tới, Phía Malaysia dự kiến thành lập và đưa vào hoạt động 2 trung tâm thực hiện việc đánh giá và cấp chứng chỉ tại Việt Nam.
- Đối với người lao động đang làm việc trong ngành xây dựng tại Malaysia: người lao động phải tham gia khóa hướng dẫn và kiểm tra để cấp chứng chỉ nêu trên tại các trung tâm của Ban Phát triển Công nghiệp Xây dựng (CIDB) tại Malaysia thông qua hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến. Trường hợp người lao động đang làm việc tại Malaysia không hoàn thiện và không có chứng chỉ nêu trên, người sử dụng lao động có thể bị phạt đến 5.000 RM.
5. Chính sách mới đối với lao động giúp việc gia đình đang làm việc tại Malaysia:
Từ ngày 1-2-2024, người lao động ngành giúp việc gia đình tại Malaysia được thực hiện khám sức khỏe hằng năm đối với lao động nước ngoài để gia hạn giấy phép cư trú.
6. Tăng mức khấu trừ chi phí ở từ tiền lương của người lao động:
Theo thông tin từ Bộ Nguồn nhân lực Malaysia, chi phí ở khấu trừ từ lương của người lao động nước ngoài tăng từ 50 RM lên 100 RM.
_Sưu tầm_