Nhật Bản: Những điểm mới của Luật kiểm soát nhập cư
Luật kiểm soát nhập cư sửa đổi vừa được Nhật Bản ban hành nhằm khuyến khích người lao động nước ngoài ở lại quốc gia này làm việc lâu hơn.
Quốc hội Nhật Bản vừa ban hành Luật kiểm soát nhập cư sửa đổi nhằm thay thế hệ thống đào tạo kỹ thuật cho người lao động nước ngoài hiện tại bằng hệ thống đào tạo và việc làm mới. Theo kế hoạch, luật sẽ có hiệu lực đến năm 2027.
Luật mới được ban hành sẽ bãi bỏ hệ thống đào tạo thực tập sinh kỹ thuật cũ, ban hành hệ thống "Chế độ đào tạo và phát triển nguồn nhân lực" dành cho lao động nước ngoài để khuyến khích người lao động nước ngoài làm việc lâu hơn tại Nhật Bản.
Nhật Bản hiện là quốc gia dẫn đầu về tiếp nhận lao động Việt Nam đến làm việc
Cơ chế đào tạo và phát triển nguồn nhân lực lao động nước ngoài mới được triển khai theo luật sửa đổi có 4 nội dung chính gồm: Đặt mục tiêu đảm bảo lực lượng lao động và tạo điều kiện để lao động nước ngoài trong vòng 3 năm đạt trình độ tay nghề cao; Cho phép người lao động chuyển việc mới nếu đủ các điều kiện gồm đã làm việc ở Nhật Bản trên 1 năm, đáp ứng được yêu cầu về tiếng Nhật và năng lực chuyên môn; Loại bỏ các công ty tư nhân khỏi hoạt động môi giới chuyển việc; Tổ chức giám sát sẽ chỉ định kiểm toán viên độc lập.
Luật này được Hạ viện Nhật Bản thông qua hồi tháng 5-2024, nhằm thay thế Chương trình Đào tạo thực tập sinh kỹ thuật (TITP) được thực hiện từ năm 1993 với danh nghĩa phát triển các kỹ năng kỹ thuật của người lao động nước ngoài từ các quốc gia đang phát triển. Tuy nhiên, Chương trình TITP bị chỉ trích thực chất là một cách thức để Nhật Bản tuyển dụng lao động giá rẻ.
Ngoài ra, Chương trình TITP còn nhiều vấn đề nổi cộm như các vụ bê bối lạm dụng, bạo hành người lao động, quỵt lương, thời gian làm việc kéo dài và không cho phép thực tập sinh được chuyển việc đã khiến nhiều thực tập sinh phải bỏ trốn ra ngoài làm việc bất hợp pháp. Chỉ riêng năm 2022, có hơn 9.000 thực tập sinh đã "biến mất" khỏi nơi làm việc.
Luật kiểm soát nhập cư sửa đổi vừa được Nhật Bản ban hành nhằm thay thế Chương trình Đào tạo thực tập sinh kỹ thuật (TITP) được thực hiện từ năm 1993
Việc luật sửa đổi dự kiến sẽ tăng số lượng người nước ngoài được cấp tư cách thường trú nhân tại Nhật Bản, luật này cũng đưa ra các biện pháp cứng rắn hơn để cho phép chính phủ thu hồi tư cách thường trú nhân. Luật quy định những cá nhân như những người cố tình không nộp thuế và đóng góp an sinh xã hội có thể bị thu hồi hoặc hạ cấp tư cách lưu trú.
Các điều khoản liên quan đến việc thu hồi tư cách thường trú đã vấp phải sự chỉ trích từ các nhà lập pháp đối lập, trong đó một số người cho rằng các trường hợp đơn lẻ nên được xem xét trước khi đưa ra quyết định vì nó có tác động đáng kể đến cuộc sống của thường trú nhân tại Nhật Bản.
Theo Cục quản lý xuất nhập cảnh Nhật Bản, tính đến cuối năm 2023, số lượng thực tập sinh theo Chương trình TITP, đã tăng 24,5% so với một năm trước lên khoảng 404.000 người. Dữ liệu của cơ quan này cho thấy số lượng lao động nước ngoài được nâng lên mức lao động có tay nghề đã tăng 59,2% lên khoảng 208.000 người, trong đó chỉ có 37 người đủ tư cách Lao động đặc định số 2.
Số liệu mới nhất từ Cục Quản lý lao động ngoài nước (Dolab), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong 7 tháng đầu năm 2023, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 85.224 người (đạt 77,47% kế hoạch năm). Riêng thị trường Nhật Bản là 41.139 người.
_Sưu tầm_