Nhiều lợi thế cho cảng biển khi được hãng tàu ngoại 'chống lưng'
Nhiều doanh nghiệp cảng biển đã hợp tác với các hãng tàu nước ngoài để thúc đẩy sự phát triển, mang tới lợi thế cạnh tranh so với các cảng tự khai thác.
Cảng Hải Phòng vừa hoàn thành việc xây dựng cầu cảng số 3, 4 tại cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng. Trong khi đó, dự án xây dựng hai bến số 5, 6 của Công ty CP Tập đoàn Hateco làm chủ đầu tư đang có sản lượng đạt trên 65%. Đối với hai bến 7, 8 do Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn làm chủ đầu tư cũng đang thực hiện các thủ tục đầu tư.
Như vậy tới năm 2030, khu vực Lạch Huyện sẽ hình thành ít nhất 8 cầu bến cảng với năng lực khai thác lên tới 6,4 triệu Teu. Sự phát triển về nguồn cung bến cảng đặt ra bài toán cho các doanh nghiệp trong việc cạnh tranh, thu hút các hãng tàu mở tuyến dịch vụ.
Việc hợp tác với các hãng tàu ngoại giúp các cảng biển có lợi thế trong cạnh tranh, khai thác.
Điểm đáng chú ý là phần lớn dự án đã và đang xây dựng tại Lạch Huyện đều có sự tham gia của các hãng tàu, nhà đầu tư nước ngoài.
Cụ thể, bến số 1, 2 (TC-HICT) là liên doanh giữa Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn và các hãng tàu, nhà đầu tư nước ngoài như Công ty TNHH MITSUI O.S.K Lines Nhật Bản, Công ty Wan Hai Lines Đài Loan và Tập đoàn Itochu Nhật Bản. Với lợi thế hình thành đầu tiên tại khu vực, TC-HICT đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường và thiết lập được mạng lưới khách hàng ổn định, vững chắc.
Cũng "bắt tay" với doanh nghiệp nước ngoài là Công ty CP Tập đoàn Hateco khi thực hiện bến số 5,6. Hateco hợp tác cùng tập đoàn khai thác cảng biển lớn của thế giới là APM Terminals trong dự án phát triển hai bến cảng nước sâu tại khu bến cảng Lạch Huyện.
Theo các chuyên gia, việc các hãng tàu có mối quan hệ hợp tác, gắn bó lợi ích với cảng sẽ mang tới nhiều cơ hội cho cảng biển trong việc cạnh tranh. Bởi các hãng tàu sẽ lựa chọn cảng do mình đầu tư để khai thác các tuyến dịch vụ do hãng tàu trực tiếp triển khai, cũng như thuyết phục các hãng tàu liên minh ưu tiên lựa chọn tương tự.
Điều này có thể thấy rõ từ kết quả của các cảng liên doanh với nước ngoài, không chỉ tại Lạch Huyện mà cả ở cảng nước sâu khu vực Cái Mép –Thị Vải.
Tiêu biểu, với ưu thế từ sự hỗ trợ của APM Terminals và hãng tàu Maersk, Cảng CMIT (liên doanh giữa Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Cảng Sài Gòn, APM Terminals) đã luôn đạt được những kết quả tích cực.
Thời gian qua, cảng không chỉ thu hút các dịch vụ của liên minh 2M (có thời điểm chiếm trên 80% sản lượng tại CMIT), còn tiếp cận các công nghệ, kiến thức, kinh nghiệm trong quản lý và khai thác cảng, tạo ra các lợi thế vượt trội so với các cảng không có cổ đông là các hãng tàu.
CMIT là cảng tiên phong trong việc tiếp nhận các tàu mẹ kích cỡ siêu lớn. Cảng vừa được Bộ GTVT chính thức cho phép tiếp nhận tàu trọng tải đến hơn 214.000 DWT giảm tải ra vào cảng làm hàng. Đồng thời, cảng cũng ứng dụng các công cụ quản trị tiên tiến trong hoạt động khai thác và quản trị.
Cũng tại khu vực Cái Mép – Thị Vải, Công ty TNHH liên doanh dịch vụ container quốc tế cảng Sài Gòn – SSA (SSIT) là công ty liên doanh giữa SSA Holdings International - Việt Nam, Cảng Sài Gòn, và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC).
Với cuộc "bắt tay" giữa VIMC và hãng tàu MSC, Cảng SSIT đã tiếp thị thành công hãng tàu MSC là khách hàng gắn bó.
Theo tìm hiểu, trước khi chuyến tàu đầu tiên của MSC cập cảng vào năm 2018, SSIT không có tàu container sử dụng dịch vụ. Nhưng từ đó đến nay, sản lượng container qua cảng liên tục tăng trưởng. Trong 2-3 năm trở lại đây, sản lượng hàng từ MSC chiếm khoảng 60% tổng sản lượng container của SSIT.
Cảng quốc tế Tân Cảng Cái Mép (TCIT) cũng là công ty liên doanh giữa Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn và hãng tàu Wan Hai, Hanjin, Mitsui O.S.K.
Với sự hậu thuẫn của các hãng tàu, Cảng TCIT đã trở thành một trong những cảng container nước sâu có sản lượng thông qua lớn nhất Việt Nam. TCIT là cảng container có sản lượng thông qua lớn thứ 2 sau cảng Tân Cảng - Cát Lái và giữ vị trí số 1 tại khu vực cụm cảng Cái Mép - Thị Vải với gần 50% thị phần kể từ khi hoạt động đến nay.
Gemadept cũng là doanh nghiệp thành công trong việc hợp tác với hãng tàu. Cảng quốc tế Gemalink là liên doanh giữa tập đoàn Gemadept và doanh nghiệp vận tải biển hàng đầu thế giới CMA Terminals.
Dù mới đi vào hoạt động năm 2021 nhưng với sự hỗ trợ của CMA - CGM, liên minh Ocean Alliance, sau 3 năm khai thác, Gemalink đã đón Teu thứ 3 triệu thông qua cảng vào đầu năm 2024.
Hiện nay, cảng đang xây dựng kế hoạch triển khai đầu tư giai đoạn 2 để nâng công suất từ 1,5 triệu Teu lên 3 triệu Teu/năm, dự kiến sẽ đưa vào khai thác giai đoạn 2 từ năm 2025.
_Sưu tầm_