Obon- Ngày lễ báo hiếu độc đáo của Nhật Bản
Không chỉ có Việt Nam, một số nước khác trên thế giới cũng có Ngày lễ Vu Lan với ý nghĩa tương tự, đó chính là lễ Obon của Nhật Bản, được diễn ra vào tháng 8 dương lịch, tức là tháng 7 âm lịch hàng năm.
Thắp đèn lồng để soi sáng đường cho tổ tiên về với con cháu.
Obon hay còn được gọi là Bon (Ngày của người chết), là một phong tục truyền thống của người Nhật theo Phật giáo. Người ta tin rằng vào ngày này, linh hồn tổ tiên sẽ được phép trở lại nhà của mình để đoàn tụ với gia đình, đồng thời con cháu cũng sẽ cầu nguyện cho linh hồn tổ tiên với tấm lòng thành kính, thương yêu và tiếc nuối.
Không chỉ thế, phong tục này còn là thời gian thích hợp nhất trong năm để tất cả các thành viên trong gia đình họp mặt, là thời điểm mọi người trở về quê cha đất tổ để thăm viếng, dọn dẹp phần mộ của tổ tiên.
Có thể nói, chỉ có vài ngày nhưng dường như thế giới giữa người sống và người chết một lần nữa được hòa hợp và đoàn tụ, mọi người cùng nhau ăn uống và chia sẻ những tình cảm ấm áp cho nhau.
Diễn ra trong nhiều thời điểm
Chữ Obon là hình thức viết giản lược của Urabon. Urabon được dịch từ Ullambana (Vu lan bồn) trong tiếng Sanskrit, có nghĩa đen là “treo ngược lên” và dùng để chỉ một sự giải thoát to lớn. Cụ thể hơn, từ này có nghĩa là nỗi khổ đau mà người chết phải chịu đựng, dù là về tinh thần hay thể xác, nhưng vào ngày này những người chết có thể thoát khỏi cảnh khổ cực của việc bị treo ngược dưới địa ngục do những tội ác mà họ đã làm và trở về đoàn tụ với gia đình.
Những vũ điệu Bon Odori trong lễ hội.
Lễ hội sẽ được tổ chức trong vòng 3 ngày, nhưng tùy theo từng vùng và thời gian tổ chức mà tên gọi lễ hội cũng khác nhau, nhưng ý nghĩa thì hoàn toàn tương tự. Ở các vùng như Tokyo, Yokohama và Tohoku, người dân thường tổ chức vào ngày 15/ 7 dương lịch và gọi lễ hội với tên gọi là Shichigatsu Bon (Bon tháng 7).
Ở các vùng phía Bắc Kanto, Chugoku, Shikoku và các đảo ở phía Tây Nam thì gọi lễ hội này là Kyu Bon và tổ chức ngày 15/7 âm lịch. Còn ngày phổ biến nhất và là ngày hội Obon lớn nhất được tổ chức tại cố đô Kyoto thì diễn ra vào ngày 15/8 dương lịch và được gọi là lễ hội Hatchigatsu Bon (Bon tháng 8).
Có 2 lễ chính trong lễ hội này là lễ Mukaebo (Đón các linh hồn) và lễ Okuribon (Tiễn các linh hồn). Cụ thể, Ngày 13: lễ đón các linh hồn trở về nhà; ngày 14,15: khoảng thời gian các linh hồn ở lại nhà. Lúc này người ta đặt đồ thờ cúng lên bàn thờ để cúng cho các linh hồn. Đây cũng là thời điểm bắt đầu các sự kiện ngoài đường phố. Ngày 16: Lễ tiễn các linh hồn về với thế giới bên kia.
Thay đồ cúng mỗi ngày
Vào ngày đầu tiên của lễ Obon, người thân trong gia đình sẽ cùng nhau dọn dẹp nhà cửa thật sạch sẽ, sau đó đi thăm viếng lăng mộ của người thân đã quá cố và quét dọn vệ sinh, tu sửa lăng mộ và mời linh hồn của tổ tiên, ông bà, cha mẹ đã quá vãng về đoàn tụ với con cháu.
Một việc làm không thể thiếu là đến chiều tối, người thân sẽ thắp sáng lồng đèn ở phía trước nhà, bởi nó sẽ soi sáng cho người quá cố biết đường trở về nhà. Không chỉ trong nhà, trên những con phố, mọi người cũng trang hoàng lộng lẫy với lồng đèn và rất nhiều thứ khác.
Bên trong nhà, bàn thờ tổ tiên cũng sẽ được lau chùi sạch sẽ. Đồ cúng của các gia đình Nhật Bản là những chiếc bánh khảo, làm từ bột gạo nhiều màu sắc và thường có hình hoa sen, cùng với rượu Shake, những giỏ hoa quả gồm nhiều loại khác nhau được trình bày rất đẹp mắt trên bàn thờ gọi là Obon-dana hoặc Tama-dana.
Đồ cúng được thay đổi mỗi ngày, ngày 13 là Mukaedango (Bánh đón linh hồn); ngày 14 là Ohagi (Một loại bánh bột gạo); ngày 15 là Soumen (Bún làm bằng bột mì) và ngày 16 là Okuridango (Bánh tiễn linh hồn).
Mặc dù lễ hội Obon là để bày tỏ lòng tôn kính với người đã khuất, nhưng cũng là một dịp lễ vui nhộn trong không khí đoàn tụ của gia đình. Trong suốt thời gian diễn ra lễ hội, người ta thường tổ chức nhiều hội chợ, nơi có nhiều trò chơi để công chúng tham gia vui chơi giải trí.
Thường thấy nhất là cảnh mọi người quy tụ lại ở những nơi có tổ chức chương trình ca múa theo những vũ điệu dân gian Bon Odori. Người Nhật thường diện Yukata - một loại kimono mùa hè để đi chơi ngoài trời và tham dự các trò chơi sôi động. Pháo hoa cũng được bắn thành nhiều đợt để kỷ niệm ngày lễ này.
Những vũ điệu Bon Odori trong lễ hội.
Nhiều sự kiện tín ngưỡng
Chỉ diễn ra trong vòng vài ngày, nhưng có rất nhiều sự kiện tín ngưỡng diễn ra. Và vũ điệu Bon Odori là sự kiện không thể không nói đến. Được biết, lễ hội này bắt nguồn từ Phật giáo. Câu truyện về một vị phật tử khi biết được cuộc sống khổ sở và vô cùng đau khổ của mẹ ông ở thế giới bên kia để trả giá cho những nghiệp ác mà bà đã từng làm khi còn sống.
Vì thương mẹ, ông đã tìm đến và cầu xin Đức Phật chỉ cách để có thể giải thoát cho mẹ. Đức Phật đã chỉ cho ông biết phải dâng cúng lễ vật lên các vị chư tăng vào đúng ngày 15/7 - đây là ngày các vị chư tăng kết thúc đợt tu luyện ba tháng an cư kiếp hạ giới. Nhờ lời chỉ dạy đó, cuối cùng Mokuren đã cứu được mẹ mình khỏi cảnh đói khát nơi địa ngục.
Vì quá cảm kích Đức Phật nên ông đã nhảy múa trong sự vui sướng và biết ơn. Và từ đó, vũ điệu mang tên Bon Odori ra đời. Điệu nhảy Bon Odori hiện nay đã phát triển thành rất nhiều phong cách khác nhau và ngay cả âm nhạc cũng theo phong cách riêng của từng vùng.
Kiểu truyền thống điển hình là các vũ công nhảy múa vòng tròn quanh một giàn gỗ gọi là Yakura. Kiểu khác nữa là vũ công nhảy múa trên hàng thẳng. Có nơi vũ công cầm quạt khi nhảy múa và cũng có vũ công múa với những chiếc khăn đầy màu sắc gọi là Tenugui.
Vào ngày cuối cùng của lễ hội Obon, người ta đem lồng đèn chochin đến thả ở các con sông, hồ, các bờ biển và gọi đây nghi lễ Toro nagashi. Nghi lễ này là để tiễn đưa linh hồn của người quá cố về với thế giới của họ. Thông thường, trong đêm thả lồng đèn, người ta còn đốt pháo hoa.
Đặc biệt nhất vẫn là Lễ dâng lửa. Được biết, Lễ dâng lửa là để soi đường cho linh hồn của những người đã khuất trở về trời (sau khi ghé về thăm trần thế trong dịp Obon) vào đêm 16/8. 5 đám lửa lớn được sắp xếp theo hình dạng của các chữ Hán sẽ được đốt lên lần lượt ở 5 ngọn núi xung quanh Kyoto trong khoảng 1 giờ đồng hồ.
Bắt đầu là chữ Đại (Daimonji), rồi đến Diệu (Myo), Pháp (Ho) và Thuyền (Funagata), chữ Đại nhỏ ở đỉnh núi nhỏ hơn gọi là Hidari-Daimonji, gần với chùa Vàng. Trong khi dâng lửa, cả những người tham gia đốt lửa và những người đi xem đều gửi những lời cầu nguyện đến tổ tiên qua ánh sáng của ngọn lửa. Mặc dù có nhiều nguồn gốc khác nhau về Lễ dâng lửa, nhưng đa số đều cho rằng phong tục này bắt đầu vào thời Muromachi (1336-1573).
Thắp đèn lồng để soi sáng đường cho tổ tiên về với con cháu.
Lễ hội này trên được tổ chức hơn 500 năm ở Nhật và trở thành một phong tục truyền thống mang đậm văn hóa Nhật Bản. Khoảng thời gian diễn ra lễ hội cũng là thời điểm thu hút đông khách du lịch nhất, nó mang đến cho du khách cái nhìn sâu sắc về Phật giáo của Nhật Bản cũng như cách thức độc đáo mà đất nước Mặt trời mọc tổ chức để kỷ niệm ngày lễ trọng đại này.
_Sưu tầm_