https://vtedco.vn/assets/img/bn2.png

Xuất khẩu lao động châu Âu ngày càng rộng cửa và hấp dẫn

Nhiều nước châu Âu đang mở cửa, đa dạng ngành nghề, độ tuổi nên lao động xuất khẩu Việt chuyển hướng trong bối cảnh thị trường truyền thống giảm sức hút.

Nhiều ngành nghề phù hợp với lao động Việt

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), một số doanh nghiệp Việt đang đưa lao động sang làm việc tại hơn 10 nước châu Âu. Tùy nhu cầu của nước sở tại, lao động sẽ làm công việc, mức lương khác nhau. Hiện, Rumania là nước tiếp nhận nhiều lao động Việt nhất với khoảng 4.100 người, trong đó 90% làm ở lĩnh vực xây dựng, công nghiệp. Lương thấp nhất của lao động phổ thông là 650 USD mỗi tháng, nếu có tay nghề là 800 - 1.000 USD với ngày làm 8 tiếng, tuần làm việc 5 ngày.

Ông Nguyễn Đức Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Cung ứng nhân lực Quốc tế và Thương mại (Sona) cho biết, thị trường truyền thống của doanh nghiệp là Nhật Bản, Hàn Quốc. Tuy nhiên, nhiều năm qua, công ty tìm thêm các hợp đồng ở châu Âu. Bởi trong khi Nhật giới hạn độ tuổi, thủ tục đi Hàn phức tạp thì một số nước ở châu Âu như Rumania lại khá dễ tính. Lao động phổ thông, yêu cầu tay nghề không quá cao, chỉ cần trong độ tuổi bảo đảm sức khỏe là có cơ hội.

Mỗi năm công ty đưa 200 - 300 lao động đi một số nước châu Âu; mức lương tùy thuộc ngành nghề. Chi phí đưa đi không được nhiều hơn một tháng lương theo hợp đồng cho mỗi năm làm việc, chưa kể tiền học tiếng, nghề.

Xuất khẩu lao động Châu Âu ngày càng rộng cửa và hấp dẫn -0

Thị trường châu Âu đang mở ra nhiều cơ hội cho lao động Việt

Bà Nguyễn Thị Hường, phụ trách tuyển dụng công ty xuất khẩu lao động Traco ở TP. Hồ Chí Minh cho biết, trong 2 - 3 năm gần đây, lao động có xu hướng muốn kiếm việc ở châu Âu thay vì sang Nhật. Nguyên nhân là đồng yên Nhật giảm sâu, chi phí ở Nhật ngày càng tăng cao. Trong khi đó, nhiều nước ở châu Âu "khát" nhân lực nên chính sách thu hút lao động nhập cư có nhiều thay đổi.

Đơn cử như Đức, để thu hút lao động có tay nghề, Chính phủ đã tạo điều kiện cho người nước ngoài được nhập tịch chỉ sau 5 năm, thay vì 8 như trước đây. Như vậy, sau 5 năm, người lao động có thể được xét định cư và bảo lãnh người thân. Đồng thời, người nước ngoài cũng được hưởng chế độ làm việc và phúc lợi bình đẳng như người bản địa. Riêng với Việt Nam, hồi tháng 1, Bộ Lao động hai nước đã ký Bản ghi nhớ (MOU) trong lĩnh vực lao động, việc làm giúp mở ra cơ hội hợp tác.

Các doanh nghiệp ở Nga muốn tuyển công nhân nhà máy, chế biến thực phẩm, thợ vận hành các lại máy công nghiệp... Thu nhập bình quân mỗi tháng 500 - 700 USD, thời gian làm việc mỗi ngày 8 tiếng, mỗi tháng 22 ngày, tăng ca tính riêng. Tương tự, Bulgaria, Hungary, Ba Lan cũng có nhu cầu tuyển lao động phổ thông có tay nghề ở các ngành công, nông nghiệp. Lương cơ bản dao động 500-750 USD mỗi tháng, tùy công việc và chưa kể tăng ca.

Cần hiểu rõ tính chất công việc và thị trường

Ông Nguyễn Như Tuấn, Phó phòng Thông tin - Tuyên truyền, Cục Quản lý lao động ngoài nước, cho rằng châu Âu là điểm đến hấp dẫn của lao động Việt bởi môi trường sống hiện đại, thu nhập, điều kiện làm việc tốt, có thể ở lại làm việc với thời gian khá dài.

Tuy nhiên, khi sang châu Âu làm việc lao động sẽ đối mặt một số vấn đề như: thời tiết rất lạnh, ít việc vào mùa đông, khác biệt văn hóa lớn hơn nhiều so với các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan. Bên cạnh đó, người Việt phải cạnh tranh với lao động nước khác tại khu vực châu Âu, và lao động các nước đang phát triển cùng trình độ.

Cũng theo đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước, doanh nghiệp đưa người đi làm việc ở châu Âu đang gặp một thách thức lớn là lao động bỏ trốn sang nước thứ ba. Do đó, việc chọn lao động xuất khẩu phải rất chặt chẽ, có ràng buộc rõ ràng. Ngược lại, lao động có nhu cầu đi châu Âu lại dễ tìm đến các nhóm trung gian, môi giới với hứa hẹn "dễ đi, lương cao", dễ bị lừa.

Theo ông Tuấn, ít nhất trong 5 năm tới Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu lao động lớn của Việt Nam. Các nước châu Âu mới bắt đầu tiếp nhận lao động ngoài khối EU và đang ở mức dè dặt, chủ yếu đang thử nghiệm. "Lao động muốn đi châu Âu cần tìm hiểu kỹ doanh nghiệp tuyển, có thể gọi đến tổng đài của Cục quản lý lao động ngoài nước để kiểm tra, tránh bị lừa", ông Tuấn nói.

Đối với thị trường châu Âu, hầu hết lao động được lo chỗ ăn ở, chi phí đi lại giữa nơi ở, làm việc. Vé máy bay lượt đi, về khi bắt đầu và kết thúc hợp đồng được doanh nghiệp chi trả. Tùy nước, hợp đồng kéo dài 2-3 năm và có thể gia hạn. Chi phí đi lại chủ yếu bao gồm tiền dịch vụ và lệ phí visa. Tiền dịch vụ được quy định không quá một tháng tiền lương của người lao động theo hợp đồng cho mỗi năm làm việc.

_Sưu tầm_

VTEDCO
Đăng lúc: 00:00 06/04/2024