https://vtedco.vn/assets/img/bn2.png

XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG: Nhiều thị trường mới, thu nhập tốt

Với thu nhập hấp dẫn và điều kiện làm việc tốt, các thị trường mới đang trở thành điểm đến tiềm năng cho lao động Việt Nam

Đầu năm 2025, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (nay là Bộ Nội vụ) và Bộ Kinh tế và Việc làm Phần Lan đã ký Bản ghi nhớ (MOU) hợp tác về dịch chuyển chuyên gia, lao động có kỹ năng và lao động thời vụ Việt Nam sang làm việc tại Phần Lan.

Bảo đảm quyền lợi

Theo thỏa thuận, Phần Lan sẽ tiếp nhận chuyên gia, lao động có kỹ năng nghề và lao động thời vụ từ Việt Nam trong nhiều lĩnh vực như: công nghệ, công nghiệp, chăm sóc sức khỏe, giáo dục mầm non… Mức thu nhập từ 1.500 - 2.000 euro/tháng (khoảng 40 - 53 triệu đồng), cùng điều kiện làm việc và phúc lợi xã hội hấp dẫn.

Ông Arto Olavi Satonen, Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Việc làm Phần Lan, cho biết các doanh nghiệp (DN) Phần Lan đánh giá cao lao động Việt Nam và xem đây là nguồn nhân lực tiềm năng. Dự kiến đến năm 2040, Phần Lan cần khoảng 1,3 triệu lao động, nhất là trong các ngành chăm sóc sức khỏe, nông nghiệp, dịch vụ và công nghệ thông tin.

Đáng chú ý, trong một số ngành nghề, người lao động (NLĐ) có thể đưa cả gia đình sang Phần Lan sinh sống, con cái được hưởng chế độ miễn học phí từ bậc mầm non đến phổ thông. "Phần Lan có môi trường sống an toàn, chế độ phúc lợi tốt, cơ sở vật chất hiện đại. Điều kiện làm việc và quyền lợi của NLĐ được bảo đảm, không có sự phân biệt giữa lao động bản địa và lao động nước ngoài" - ông Satonen nhấn mạnh.

Hình ảnh người lao động Việt Nam ngày càng chuyên nghiệp trên trường quốc tế

Hình ảnh người lao động Việt Nam ngày càng chuyên nghiệp trên trường quốc tế

Nâng cao tay nghề, kỹ năng

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Bá Hoan cho biết Bang Saskatchewan (Canada) đang có nhu cầu tiếp nhận khoảng 150.000 lao động nước ngoài có tay nghề trong các lĩnh vực khai khoáng, sản xuất, công nghệ thông tin… 

"Hai bên đang thống nhất trao đổi, đàm phán để ký kết MOU mới, tháo gỡ những vướng mắc trong việc đưa lao động Việt Nam sang Saskatchewan. Đây là thị trường tiềm năng, mở ra cơ hội làm việc lâu dài với thu nhập cao" - Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan nói.

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Nội vụ), châu Âu và một số thị trường mới khác được đánh giá là thị trường tiềm năng với nhu cầu tiếp nhận lao động lớn. Lao động Việt Nam bước đầu đã tạo được uy tín, thu hút nhiều quốc gia hợp tác tuyển dụng. Song, theo phản ánh từ các DN xuất khẩu lao động, NLĐ Việt Nam vẫn gặp nhiều hạn chế khi làm việc tại nước ngoài.

Bà Trần Thị Minh Thu, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Bách Nghệ Toàn Cầu (Glo-Tech), chỉ ra 3 điểm yếu cần khắc phục: ngoại ngữ, kinh nghiệm làm việc quốc tế và kỹ năng mềm. Ngoài ra, NLĐ còn phải đối mặt với thách thức về khác biệt văn hóa, rào cản pháp lý và thiếu sự hỗ trợ. 

Điều này khiến họ dễ bị lợi dụng hoặc vi phạm pháp luật khi làm việc ở nước ngoài. "Cần xây dựng chương trình đào tạo nâng cao tay nghề, kỹ năng ngoại ngữ và kiến thức văn hóa để NLĐ tự tin hòa nhập quốc tế" - bà Thu nhấn mạnh.

Đối với tình hình xuất khẩu lao động, những thị trường tiềm năng như châu Âu, Úc, Canada... đều yêu cầu trình độ tiếng Anh. Vì vậy, việc cải thiện khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh rất quan trọng. Bên cạnh đó, NLĐ cũng cần bảo đảm có bằng cấp chuyên môn hoặc kinh nghiệm thực tế trong lĩnh vực ứng tuyển (cơ khí ô tô, công nghệ thông tin, chăm sóc sức khỏe, nông nghiệp…); cần học cách làm việc nhóm, quản lý thời gian, thích nghi với môi trường quốc tế để tránh sốc văn hóa và nâng cao hiệu suất công việc.

_Sưu tầm_

VTEDCO
Đăng lúc: 00:00 24/03/2025