Chuyển đổi số trong công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực hàng hải được các cấp quản lý quan tâm và thực hiện mạnh mẽ...

Chuyển đổi số là một trong những xu hướng tất yếu của cuộc cách mạng 4.0, chuyển đổi số yêu cầu mọi ngành nghề, mọi lĩnh vực phải thay đổi và nó thúc đẩy sự phát triển tương ứng với mức độ thích nghi với công nghệ số. Công tác giáo dục đào tạo đóng vai trò là kim chỉ nam cho sự phát triển bền vững của các ngành nghề, các quốc gia. Chuyển đổi số trong công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực hàng hải được các cấp quản lý quan tâm và thực hiện mạnh mẽ.

Nghị quyết số 36/NQ-TW ngày 22/10/2018 của Ban chấp hành trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định mục tiêu: Đến năm 2030 đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh; đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển … Những thành tựu khoa học mới, tiên tiến, hiện đại trở thành nhân tố trực tiếp thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển. Một trong những mục tiêu cụ thể là về khoa học, công nghệ, phát triển nguồn nhân lực biển: Tiếp cận, tận dụng tối đa thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến và thuộc nhóm nước dẫn đầu trong ASEAN, có một số lĩnh vực khoa học và công nghệ biển đạt trình độ tiên tiến, hiện đại trên thế giới. Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực biển, hình thành đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ biển có năng lực, trình độ cao. Tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn; kinh tế biển đóng góp quan trọng vào nền kinh tế đất nước, góp phần xây dựng nước ta thành nước công nghiệp hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa; tham gia chủ động và có trách nhiệm vào giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực về biển và đại dương.

Bộ Giao thông vận tải xây dựng Chương trình đào tạo Thủy thủ trực ca, Thợ máy trực ca chất lượng cao trên các tiêu chuẩn kỹ năng cần thiết đáp ứng theo Công ước STCW 78/2010. Đáp ứng nhu cầu thực tiễn của thị trường lao động, các chương trình đã được rút gọn hơn so với các chương trình đào tạo trước đây, thời lượng dành cho thực hành được tăng lên đáng kể (chương trình sơ cấp nghề thời lượng thực hành chiếm 84%, chương trình trung cấp nghề chiếm 66%, chương trình Cao đẳng nghề chiếm 67%), giảm bớt thời gian học lý thuyết, tập trung vào các môn học, mô đun giúp cho sinh viên rèn luyện các kỹ năng cần thiết áp dụng ngay vào thực tế công việc, giảm thời lượng các môn học đại cương, các môn học chưa áp dụng ngay vào thực tế công việc của thủy thủ. Chương trình đào tạo đáp ứng được định hướng đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, nhằm đào tạo con người có tri thức mới, năng động, sáng tạo khi giải quyết các vấn đề phát sinh trong thực tiễn cuộc sống và sản xuất. Bộ cũng thực hiện tuyển dụng và đào tạo lại đội ngũ giảng viên tại các trường hàng hải, bảo đảm trình độ năng lực và khả năng chuyên môn theo quy định của Công ước STCW 78/2010.

Cục Hàng hải Việt Nam chú trọng công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực hàng hải, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao với cơ cấu hợp lý, quan tâm tới công tác đào tạo, huấn luyện thuyền viên. Cục đã xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý quản thuyền viên, vừa tạo điều kiện giảm thiểu thủ tục hành chính, phiền hà đối với thuyền viên, vừa bảo đảm việc quản lý chính xác, đồng bộ theo đúng các yêu cầu quốc tế. Cổng dịch vụ công trực tuyến đã được triển khai, các thủ tục đã được thực hiện một cửa trên dịch vụ công quốc gia. Thường xuyên kiểm tra, đánh giá các cơ sở đào tạo, huấn luyện, cơ sở tuyển dụng và cung ứng thuyền viên, bảo đảm nguyên tắc cơ sở đào tạo, huấn luyện nào đáp ứng đầy đủ các yêu cầu, tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, giáo viên mới được tiến hành đào tạo huấn luyện theo quy định. Theo Cục Hàng hải Việt Nam: Trong bối cảnh chuyển đổi số được áp dụng rộng rãi trên phạm vi toàn cầu, cùng với sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã đặt ra thách thức lớn cho ngành Giáo dục nói chung và công tác đào tạo ngành Hàng hải nói riêng. Để tạo thuận lợi cho thuyền viên, hoa tiêu hàng hải học tập từ xa, học tập trực tuyến trong thời gian làm việc dưới tàu, giảm thiểu thời gian đi lại, Cục Hàng hải Việt Nam và các trường Đại học, Cao đẳng đào tạo nguồn nhân lực hàng hải đã và đang nỗ lực thay đổi chương trình giảng dạy, nhất là công tác huấn luyện thuyền viên, hoa tiêu hàng hải.

Từ ngày 8/3 - 10/3/2022 APEC Seafarers Excellence Network (APECSEN) tổ chức hội nghị Về tối đa hóa khả năng lao động xuyên biên giới của thuyền viên trong kỷ nguyên kỹ thuật số. Hội nghị quy tụ sự tham gia của hơn một trăm thành viên là các chuyên gia đầu ngành về đào tạo thuyền viên tại Đại học Hàng hải quốc tế, các nhà quản lý hàng hải, các thuyền trưởng kinh nghiệm xuất sắc. Trong suốt 3 ngày diễn ra hội nghị, các thành viên đã chia sẻ những báo cáo, những thắc mắc và giải đáp xoay quanh vấn đề chuyển đổi và thích ứng của ngành vận tải biển, khả năng làm việc của thuyền viên và công tác đào tạo, huấn luyện thuyền viên hàng hải.

Các cơ sở đào tạo đã thực hiện xây dựng Đề án chiến lược phát triển đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; cử giáo viên tham dự các khóa đào tạo tại nước ngoài theo chương trình hợp tác quốc tế; ban hành quy chế về nâng cao trình độ ngoại ngữ của giảng viên tiếng Anh, giảng viên chuyên ngành, để có thể giảng dạy một số môn bằng tiếng Anh từ năm học tới; tiếp tục duy trì Hệ thống quản lý chất lượng ISO; Đề án thí điểm đào tạo sỹ quan hàng hải không qua cấp đào tạo đại học, cho đến nay đã có những sinh viên đang đi tàu và thực tập sỹ quan trên các tàu biển. Trong đợt dịch Covid 19, các cơ sở đào tạo, huấn luyện đã thực hiện công tác đào tạo, huấn luyện bằng hình thức trực tuyến theo hình thức e-learning hoặc distant-learning trước khi tới cơ sở đào tạo, huấn luyện thuyền viên để hoàn thành các học phần còn lại.

Về giáo trình và tài liệu phục vụ giảng dạy, học tập được biên soạn, cập nhật kịp thời, được Hội đồng thẩm định của cơ sở đào tạo thông qua trước khi đưa vào sử dụng; các học phần đào tạo theo tín chỉ đều đầy đủ học liệu và đưa lên thư viện điện tử để phục vụ công tác học tập và nghiên cứu khoa học. Sửa đổi, bổ sung các chương trình đào tạo thuyền viên theo đúng yêu cầu của Công ước STCW 1978/2010 và các chương trình mẫu của IMO (IMO Model course) nhằm đào tạo đội ngũ nhân lực hàng hải chất lượng cao (chuyên môn, ngoại ngữ) phục vụ cho ngành Hàng hải trong nước và xuất khẩu thuyền viên cho các nước trong khu vực và trên thế giới. Trang thiết bị phục vụ giảng dạy và thực hành cho học viên của các cơ sở đào tạo, huấn luyện ngày càng được chú trọng, đầu tư như các hệ thống mô phỏng hải đồ điện tử, mô phỏng tàu chở dầu, tàu chở hóa chất, tàu chở khí hóa lỏng, xuồng cứu sinh tự phóng,…giúp dần nâng cao chất lượng đào tạo, gắn với thực tế công việc. Tăng cường hợp tác quốc tế với Tổ chức hàng hải thế giới, các trường đào tạo ngành hàng hải trong khu vực và trên thế giới nhằm tăng cường công tác đào tạo cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Trong bối cảnh chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu, trong tất cả các ngành nghề, các lĩnh vực; các cấp quản lý quan tâm đổi mới để phát triển ngành vận tải biển và công tác đào tạo nguồn nhân lực hàng hải, đòi hỏi đội ngũ thuyền viên, sinh viên ngành hàng hải cũng phải phát huy tinh thần học hỏi, nghiên cứu khoa học công nghệ nhằm thích ứng với cuộc cách mạng 4.0, chiếm lĩnh tri thức ngành hàng hải, khẳng định vị thế của thuyền viên Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

VTEDCO CREW - Tuyển dụng, đào tạo và cung ứng thuyền viên

— Tin tức —
VTEDCO
– Website tuyển dụng trực tuyến

Bài đọc liên quan

Phẩm chất số một mà sếp Google muốn có ở nhân viên

Phẩm chất số một mà sếp Google muốn có ở nhân viên

5 cách gây ấn tượng trong buổi phỏng vấn

5 cách gây ấn tượng trong buổi phỏng vấn

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đào tạo nhân lực bán dẫn là "đột phá của đột phá"

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đào tạo nhân lực bán dẫn là "đột phá của đột phá"

1900.5858.33